Người Khmer Krom lạc chủng?

Trẻ em người Khmer Krom tại lãnh thổ Kampuchea Krom chỉ được học chữ Khmer trong chùa trong dịp hè ba tháng (Tháng 5 đến tháng 9). Ảnh: TTXVN

Trẻ em người Khmer Krom tại lãnh thổ Kampuchea Krom chỉ được học chữ Khmer trong chùa trong dịp hè ba tháng (Tháng 5 đến tháng 9). Ảnh: TTXVN

Một vấn đề khiến cho giới trí thức quan tâm là thế hệ người Khmer Krom ngày nay có xu hướng “cách xa” ngôn ngữ mẹ đẻ, thậm chí vài người trong số đó đã “từ bỏ” và không biết nói tiếng Khmer, đây đúng thật là một điều rất nguy hại cho dân tộc mình.

Người Khmer mình vốn rất yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, trân quý những nét bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu vì yếu tố tâm lý – xã hội, như nạn phân biệt chủng tộc ở các thành phố lớn gây nên tâm lý mặc cảm, hay một phần vì kinh tế và công ăn việc làm mà các bậc cha mẹ hướng con cái tới việc nắm vững tiếng Việt và các ngoại ngữ quan trọng để tìm kiếm việc làm, bảo đảm đời sống. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ như vậy, ở nhà thay vì nói tiếng Khmer với con, họ lại nói tiếng Việt để con mình rành rẽ tiếng Việt hơn. Một thời gian sau họ mới nhận ra là họ đã phạm phải một lỗi lầm lớn, con cái họ đã quên bén tiếng Khmer và thế là họ trở thành dân tộc “Khmer lạc chủng”.

Mặc dù, Hiến pháp Việt Nam cho phép các dân tộc khác “có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” nhưng Nhà nước Việt Nam KHÔNG THẬT SỰ tạo điều kiện để chúng ta được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, mà thậm chí còn vô tình tạo rào cản với đủ thứ các điều kiện này nọ đối với chùa chiền của người Khmer gây khó khăn đáng kể cho việc phát triển văn hoá, chữ viết và tiếng nói Khmer.

Để gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng người Khmer Krom hiện nay, đòi hỏi phải có sự góp sức của tất cả cha mẹ, nhưng đa số người Khmer mình nghèo, có mức sống dưới mức trung bình, các cha mẹ quá bận rộn với công việc mưu sinh nhiều khi không còn thì giờ cho con cái. Về điểm này mình nghĩ ông bà có vai trò “giúp hồi sinh” tiếng mẹ đẻ. Ngoài giờ ở trường, những trẻ em có ông bà sẽ có thời gian gần gũi ông bà nhiều hơn. Nếu ông bà biết tận dụng thời gian gần gũi các cháu, tìm cách gây thiện cảm để nói chuyện với chúng thì chắc chắn khả năng nói tiếng Khmer của chúng sẽ còn giữ được cho đến khi lớn lên. Một người biết được hai ngôn ngữ thì bằng hai người, có ai đó đã nói như vậy. Tại sao một số phụ huynh không nghĩ đến việc duy trì khả năng nói tiếng Khmer của con em mình khi nó đã có thể nói được ít nhiều. Thật là uổng phí khi để cho con em của mình mất đi một ngôn ngữ khi mà không phải học ở đâu xa và cũng chẳng tốn tiền tốn bạc. Ngôn ngữ Khmer đâu phải là “cái thể loại ngôn ngữ” nhược tiểu như của các dân tộc Chăm, Cầm, Dao, Thái, Mông… đâu. Tiếng Khmer là ngôn ngữ của quốc gia độc lập, được nói bởi hơn 20 triệu người trên thế giới và cũng là ngôn ngữ quan trọng ở một số Trung tâm ngoại ngữ một số nước, ở Sài Gòn cũng có.

Ai cũng biết vốn tiếng Anh thật tốt vì nó là chìa khóa, nền tảng để tiếp cận tri thức từ những nền giáo dục tiên tiến, còn tiếng Việt là điều kiện cần để các bạn tồn tại ở xã hội VN. Nhưng không vì thế mà chúng ta từ bỏ tiếng nói tổ tiên mình, bởi vì khi thế giới phẳng đi, ranh giới giữa các dân tộc đôi khi được đo bằng ngôn ngữ, văn hóa và bản sắc của dân tộc đó. Trong trường hợp ấy, chúng ta sẽ thể hiện bản sắc dân tộc mình như thế nào khi không nói được tiếng mẹ đẻ?

Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh cuộc sống mà quên đi nguồn cội mình, chúng ta cần biết rằng người Trung Hoa ở nước ngoài, dù sống đến thế hệ thứ mấy đi chăng nữa thì họ vẫn nói tiếng Hoa. Người Hoa mà không nói được tiếng Hoa là điều vô cùng xấu hổ, thế thì tại sao người Khmer không nói được tiếng Khmer mà vẫn cứ cười tươi như bông hoa buổi sáng vậy?

Dân tộc và tôn giáo của chúng ta không được điều hành bởi một guồng máy chặt chẽ như các tổ chức chính quyền, cũng không có một ngân khoản tài trợ. Nhưng bằng cách này hay cách khác, bằng những sáng kiến và các phương tiện khác nhau, mình tha thiết hi vọng rằng, tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực duy trì văn hóa, tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Nếu chúng ta không làm được điều gì lớn lao thì hãy cùng nhau làm những việc bình thường thôi, như chắp tay chào cha mẹ theo truyền thống, mỗi tháng cố gắng đi chùa 2 lần, tôn kính sư sãi, nói chuyện bằng tiếng Khmer… Hay, chẳng hạn như các hoạt động của mình và một vài người bạn Khmer Krom hiện nay, đó là các hoạt động hoàn toàn có tính cách tự phát, hoàn toàn xuất phát từ thiện tâm, thiện chí chỉ mong giữ được di sản của tổ tiên mình. Tất cả chỉ là ở ý thức của chúng ta thôi.

Nói vậy chứ mình không đánh đồng tất cả đâu, bởi vì bên cạnh các tiêu cực đó cũng có những cha mẹ rất quan tâm đến việc khuyến khích con cái nói tiếng Khmer. Ở trong gia đình họ chỉ dùng tiếng Khmer với con cái và luôn tạo điều kiện để con họ trau dồi tiếng Khmer. Ở xứ mình, có một bà mẹ đã phải đạp xe cộc cạch đi xa hàng mấy cây số để cho con gái của bà có dịp học chữ Khmer. Mình thật sự kính trọng. Đó đúng là một bà mẹ đã dạy con biết “uống nước nhớ nguồn”, biết trân quý tiếng nói của tổ tiên, nguồn cội dân tộc.

……….

Bài viết này được đăng trang Facebook của Nga Trà Vinh.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, không phản ánh quan điểm của Đài Tiếng Nói Kampuchea-Krom.

Comments are closed.