Tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được nêu lên tại LHQ

Cộng đồng sắc tộc Hmong ở Việt Nam

Cộng đồng sắc tộc Hmong ở Việt Nam

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), một thành viên trong Liên đoàn, kêu gọi chính quyền Hà Nội mạnh mẽ cam kết loại trừ tình trạng phân biệt sắc tộc tại khóa họp của Ủy ban Liên hiệp quốc về bài trừ nạn phân biệt chủng tộc diễn ra ở Geneva đầu tuần này.

Trong báo cáo phản biện dày 30 trang gửi đến Liên hiệp quốc nhan đề ‘Vi phạm những quyền căn bản của các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam nêu rõ những quan ngại trước việc thực thi Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc tại Việt Nam mà Hà Nội đã tham gia ký kết từ năm 1982.

Phúc trình của Ủy ban đề cập đến những chênh lệch về quyền lợi kinh tế, xã hội, và văn hóa giữa đa số người Kinh với người dân tộc thiểu số tại Việt Nam và nạn sách nhiễu các cộng đồng tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cộng đồng Phật giáo của người Khmer Krom, Hòa Hảo, hay Cao Đài.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban và là người trình bày bản báo cáo này tại Liên hiệp quốc ngày 20/2, phát biểu với Ban Việt ngữ VOA:

“Theo lẽ, quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã ký kết công ước thì hai năm phải tới phúc trình một lần. Việt Nam đáng ra đã phải phúc trình 15 lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên họ đến. Hôm nay các đại biểu có phúc trình phản biện được lên tiếng. Tôi có trình bày đánh giá về bản báo cáo của Việt Nam rằng đây chỉ là một danh sách rất dài về các văn bản pháp luật được thông qua để ‘bảo vệ quyền cho các dân tộc ít người’, nhưng thực tế, các luật pháp của các văn bản này không được thực thi. Đặc biệt chúng tôi nhắc tới chính sách của đảng cộng sản đã điều kiện hóa pháp luật Việt Nam, khiến quyền của những người thuộc dân tộc thiểu số bị tiêu hủy. Hiện nay, sự ngăn cách giàu nghèo tại Việt Nam là hố sâu đáng báo động. Năm 1990, có 18% người nghèo trong các dân tộc thiểu số. Năm nay, số này là 56%, hơn người Kinh gấp 9 lần. Đặc biệt, sự kỳ thị tôn giáo đối với người thiểu số là một chính sách có chủ tâm của nhà nước và đảng, khiến người Hmong, người Thượng theo Thiên Chúa giáo, hay người Phật giáo Khmer Krom, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Hảo, Cao Đài trở thành đối tượng bị cầm tù, tra tấn, quản chế tại gia, bị công an theo dõi, hăm dọa, sách nhiễu trong đời sống hằng ngày.”

Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, bà Souhayr Belhassen, cho rằng tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam không phải là một thành tích cho nhân quyền như nhà nước hay khoe khoang, mà thực tế quyền lợi từ mức tăng trưởng đó không được thụ hưởng đồng đều trong dân chúng, đặc biệt là đối với các sắc dân thiểu số, những thành phần còn bị bỏ xa so với đồng bào người Kinh trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, và công ăn việc làm.

Vẫn theo bà Belhassen, đây là hậu quả của việc thực thi hiến pháp, pháp luật, các công cụ chính sách mang tính phân biệt với mục đích kiểm soát, không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.

Trong số các khuyến nghị đưa ra, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam yêu cầu Hà Nội phải cải cách chính trị và pháp lý để bài trừ nạn phân biệt sắc tộc, chấm dứt đàn áp tôn giáo, và công nhận thẩm quyền của Ủy ban Liên hiệp quốc về bài trừ nạn phân biệt chủng tộc để Ủy ban có thể trực tiếp thu nhận khiếu kiện của các nạn nhân. Nguồn tin: VOA

Comments are closed.