UNPO báo cáo vi phạm nhân quyền đối với dân thiểu số ở Việt Nam

Cộng đồng sắc tộc Hmong ở Việt Nam

Cộng đồng sắc tộc Hmong ở Việt Nam

Nhân kỳ họp thứ 80 của Ủy ban Bài trừ Nạn phân biệt chủng tộc Liên hiệp quốc, Tổ chức các Quốc gia và Dân tộc Không có đại diện (UNPO) đệ trình 2 bản phúc trình nêu rõ tình trạng đàn áp các cộng đồng người thiểu số tại Việt Nam và Lào.

Thông cáo báo chí đăng trên trang web của UNPO nhấn mạnh cả hai chính phủ Lào và Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Quốc tế về Bài trừ Nạn phân biệt chủng tộc phải có trách nhiệm thực thi tất cả các biện pháp cần thiết để chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng thế giới không còn nạn phân biệt và kỳ thị.

Báo cáo của UNPO và các tổ chức đại diện cho người Thượng Degar, người Khmer Krom, và các cộng đồng Hmong cho thấy những vi phạm có hệ thống tại Việt Nam và Lào.

Phúc trình của UNPO nêu chi tiết một số vấn đề chính ảnh hưởng tới các cộng đồng thiểu số vừa kể bao gồm thiếu quyền tự do tôn giáo và an toàn cá nhân.

Báo cáo nói rằng các nơi thờ phượng của người Khmer Krom bị công an sách nhiễu, các cộng đồng người Thượng Degar thực hành tín ngưỡng trong các hội nhóm tại gia không đăng ký bị công an dùng võ lực trấn dẹp, và chính quyền Việt Nam còn mở các chiến dịch quân sự để bài trừ đạo Tin lành trong cộng đồng người Hmong.

Bà Lisa Thomas, từ tổ chức UNPO, phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA:

“Thông điệp chính từ phúc trình của chúng tôi là có sự đàn áp mạnh tay đối với các cộng đồng thiểu số tại Việt Nam, và một trong những vấn đề mà chúng tôi tập trung lưu ý là tình trạng đàn áp tôn giáo. Rất nhiều nhóm cộng đồng thiểu số theo tôn giáo riêng, độc lập, không đăng ký với nhà nước không được tự do thực hành tín ngưỡng của họ, mà thậm chí đôi khi còn bị tấn công chỉ vì lý do hành đạo. Đây là một tiến trình tiếp diễn, chúng tôi cố gắng nêu lên tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam nhiều hơn nữa ở cấp Liên hiệp quốc.”

Tại kỳ họp thứ 80 của Ủy ban Bài trừ Nạn phân biệt chủng tộc Liên hiệp quốc diễn ra từ ngày 13/2 tới ngày 9/3 năm nay ở Geneva (Thụy Sĩ), Ủy ban sẽ xem xét các báo cáo của 12 nước, trong đó có Việt Nam. Nguồn tin: VOA

Comments are closed.