Sáng ngày thứ hai, 11 tháng 3, trong một khoá họp kín, 18 Chuyên gia trong Uỷ ban Nhân quyền LHQ lắng nghe các ý kiến của các tổ chức Phi Chính phủ có Phúc trình đệ nạp Uỷ ban trước ngày 4 tháng 2. Hai mươi phúc trình đệ nạp, nhưng chỉ có 15 tổ chức phát biểu tại khoá họp, trong số này có 3 tổ chức Phi chính phủ đến từ Hà Nội. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, được mời trình bày trước tiên Phúc trình phản biện của tổ chức mình. Sau khoá họp kín, một số Chuyên gia gặp gỡ riêng các đại diện tổ chức Phi chính phủ để hỏi thêm một số chi tiết.
3 giờ chiều cùng ngày, Uỷ ban Nhân quyền LHQ lắng nghe Phúc trình Việt Nam do ông Trưởng đoàn, Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu. Phái đoàn Việt Nam gồm 24 ngừời đại diện hầu hết các Bộ trong chính phủ, từ Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cho đến Bộ Lao động.
Trong lời chào mừng và giới thiệu Phái đoàn Việt Nam, ông Chủ tọa khoá họp có ý tiếc về sự phúc trình của Việt Nam không thường xuyên, khiến cho sự đối thoại xây dựng giữa Uỷ ban và Việt Nam gặp nhiều trở ngại.
Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) là một trong những công ước nhân quyền quan trọng nhất của LHQ. 37 năm trước, năm 1982, Việt Nam ký kết Công ước này, và hôm nay là lần thứ 3 Việt Nam đến phúc trình. Lần thứ nhất vào năm 1989, lần thứ hai năm 2002.
Tổng quát, ông Ngọc cho biết dù bao khó khăn Việt Nam gặp phải, từ chiến tranh đến đủ thứ nạn, nhưng trong mấy chục năm qua Việt Nam đã hoàn thiện Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) cho người dân. Nhờ vậy, ông xác định hiện nay Công ước giữ phần ưu thắng tại Việt Nam.
Sau phần phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam là phần dành cho các chuyên gia Uỷ ban Nhân quyền LHQ chất vấn. Sau đây là một số chất vấn tiêu biểu :
Bà Marcia Kran, Chuyên gia người Canada, đặt câu hỏi:
Tôi thấy có nghĩa vụ ghi nhận sự kiện bản Phúc trình cung cấp quá trễ. Tôi cũng ghi nhận rằng tại Việt Nam Hiến Pháp cho phép giới hạn các quyền được ghi trong Công ước ICCPR để tuân thủ “an ninh quốc gia” và “trật tự xã hội”. Tôi ghi nhận rằng các điều luật mơ hồ về “an ninh quốc gia” trong Bộ Luật Hình sự đã giới hạn các quyền của người hoạt động bảo vệ nhân quyền và tất cả những ai bất đồng ý kiến với đảng Cộng sản Việt Nam. Ý kiến về “an ninh quốc gia” cho chúng tôi cảm tưởng đã được sử dụng để giới hạn tự do và an ninh cá nhân, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cũng như tự do ngôn luận.
Xin cho chúng tôi biết kế hoạch của quý vị nhằm giải quyết sự trái chống giữa các điều luật an ninh quốc gia của quý vị và các điều trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Xin giải thích bằng kế hoạch nào quý vị bảo đảm các điều luật an ninh quốc gia không bị sử dụng tuỳ tiện chống lại những nhóm bất đồng chính kiến ?
Ông Koita, Chuyên gia người Mauritanie :
Thật khó tiếp cận số liệu người bị án tử hình để hoàn thành những bản thống kê chính xác. Tuy nhiên vào tháng 2 năm 2017, một báo cáo của Bộ Công An tiết lộ con số 429 tù nhân đã thi hành án trong thời gian từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016, theo nhịp độ này, mỗi năm có 147 tù nhân bị tử hình. Phúc trình Việt Nam cho biết có 5 trung tâm chích thuốc độc đang được xây dựng. Y cứ số liệu này, Việt Nam đứng hàng thứ 3, nếu không là thứ 2 theo những nguồn khác, trên phương diện quốc tế của các quốc gia thi hành án tử hình. Việt Nam có xác nhận con số này không ? Nếu không, quý vị có thể cung cấp số liệu thống kê chính thức bằng cách công bố số liệu án tử hình, và số liệu thi hành án ?
Ông Ben Achour, Chuyên gia người Tunisia :
Bản thân tôi thuộc thế hệ theo dõi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cho nền độc lập dân tộc và chống lại sự thống trị của bạo quyền ngoại lai, đồng thời chống cả bạo quyền bản xứ. Thời đó tôi còn là sinh viên. Tất cả sinh viên vào thế hệ tôi đều hậu thuẫn thiên sử thi anh hùng Việt Nam. Một thiên sử thi mang nghĩa Công bằng xã hội – chủ nghĩa xã hội, chúng tôi hoàn toàn đồng ý điều này – nhưng đồng thời cũng là tự do – tự do cá nhân, chủ nghĩa đa nguyên. Tôi muốn giải thích vì sao ? Bởi vì, thật tình mà nói, tôi nhận thấy rằn chính sách Việt Nam ngày nay đối với tự do công cộng và nhân quyền lẽ ra phải được tiến bộ so với những tham vọng và hy vọng mà Việt Nam làm dấy lên khắp mặt địa cầu, trong đệ tam thế giới, với tinh thần Bandoung…
Tôi muốn nhắc ở đây rằng, Hiến Pháp Việt Nam nhắc đi nhắc lại 7 lần khái niệm “an ninh quốc gia” trong các điều, 44, 54 và 65, hai lần trong các điều 66 và 67. Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự bắt tội những ai xâm phạm “an ninh quốc gia”. Trong cuộc Kiểm điểm UPR năm 2014, Việt Nam hứa hẹn sẽ sửa đổi các điều quá giới hạn trong chương “an ninh quốc gia”. Thế rồi năm 2015, một Bộ Luật Hình sự sửa đổi ra đời, lại thêm vào nhiều điều giới hạn mới như bắt tội những ai “chuẩn bị” hay “có ý định” phạm tội. Vấn nạn đối với tôi, như một luật gia, là chẳng ai đi buộc tội khi “mới có ý định” mà thôi ! Có ý định chưa thể xem như phạm tội, điều này có vấn đề đấy.
Tôi có hai câu hỏi, có thể nào Việt Nam định nghĩa một cách rõ ràng về ý niệm “an ninh quốc gia”, chứ như hiện nay thì quá mơ hồ, mờ nhạt – và câu hỏi thứ hai, quý vị có thể cung cấp cho chúng tôi một danh sách tất cả các điều luật mang tội “an ninh quốc gia” ?
Ông Santos Pais, Chuyên gia người Bồ Đào Nha :
Đảng-Nhà nước chối từ tại Việt Nam không có loại tù nhân vì lương thức. Nhưng có nhiều phúc trình thì lại cho biết có nhiều tù nhân vì lương thức tại Việt Nam. Họ bị bắt bớ tuỳ tiện, gia đình họ không hề được thông báo nhiều tuần hay nhiều tháng sau, họ bị hành xử tồi tệ bằng lời nói hay xâm phạm thân thể. Phái đoàn Việt Nam bình luận ra sao hiện trạng này ? Có bao nhiêu cá nhân bị giam giữ vì tội xâm phạm “an ninh quốc gia” ? Có bao nhiêu người bị kết án vì tội xâm phạm “an ninh quốc gia” trong 5 năm vừa qua ? và án tù của họ như thế nào ? Trong một vài phúc trình của xã hội dân sự cho biết những cuộc bắt giam dài hạn không được phép thăm nuôi, bị đối xử tồi tệ, không được chăm sóc y tế, bị chuyển tới những nhà tù ở xa nơi gia đình họ cư trú, bị quản giáo cho phép các tù nhân hình sự đánh đập. Phái đoàn Việt Nam nghĩ sao về những sự kiện này ? Việt Nam có biện pháp gì ngăn chận và bảo đảm không còn xẩy ra trong tương lai ?
Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) gồm có 27 điều. Nên cuộc trình bày và chất vấn giữa Phái đoàn Việt Nam và Uỷ ban Nhân quyền LHQ được chia làm hai phần. Phần một vào chiều thứ hai, 11 tháng 3, Uỷ ban Nhân quyền xem xét và chất vấn từ điều 1 đến điều 14 cùng các câu hỏi bổ sung. Phần hai vào sáng thứ ba, 12 tháng 3, xem xét và chất vấn từ điều 15 đến điều 27 và các câu hỏi bổ sung.
Điều 18, về Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, các chuyên gia đặc biệt hỏi về trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa hảo, Cao Đài và các tôn giáo không muốn đăng ký. Đồng thời hỏi vì sao Luật mới về Tín Ngưỡng, Tôn giáo bắt buộc phải đăng ký, là điều trái ngược với Công Ước ICCPR của LHQ ? Việt Nam có kế hoạch điều chỉnh tình trạng này hay không ?
Những câu hỏi khác mà các Chuyên gia LHQ quan tâm là Luật An Ninh Mạng, việc sách nhiễu những người hoạt động bảo vệ nhân quyền, Nghị Định 136 cấm các nhà hoạt động nhân quyền di chuyển, tịch thu hộ chiếu của họ, v.v… Các Chuyên gia cũng hỏi bao giờ thì Việt Nam bãi bỏ chế độ “Hộ khẩu”, là chế độ kỳ thị tôn giáo và dân tộc ? Bao giờ Việt Nam thông qua Luật Lập Hội, Luật Biểu tình, và chấm dứt việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa ?
Do thời lượng Đài có hạn, chúng tôi không thể kể ra hết.
Sau phần chất vấn, Phái đoàn Việt Nam hồi đáp thông qua các vị Đại diện Bộ, liên quan tới lĩnh vực đề cập. Nói chung, các câu hồi đáp của Phái đoàn nếu không lúng túng, thì chẳng liên quan trực tiếp tới câu hỏi cụ thể đặt ra. Đa số lời hồi đáp biểu hiện thuần tuý tuyên truyền, đề cao tính nhân đạo, công lý và tôn trọng nhân quyền của Nhà nước. Sai trái, phạm tội là lỗi người dân, chứ chính quyền luôn tuyệt đối thương lo cho dân. Ví dụ như câu hỏi vì sao có nhiều người chết trong tù hoặc nơi tạm giam ? Phái đoàn cho biết vì họ mang trọng bệnh trước khi bị bắt, hoặc vì bức xúc, buồn phiền trong thời gian giam giữ nên đã tự tử….
Tiêu biểu nhất cho cách trả lời ngọt ngào của Phái đoàn Việt Nam, xin mời quý thính giả nghe đại diện Bộ Công an hồi đáp sau đây :
“Việt Nam khẳng định các can phạm và người bị kết án xâm phạm an ninh quốc gia được đối xử bình đẳng như bất kỳ người phạm tội hình sự nào khác. Các chế độ, chính sách đối với phạm nhân được quy định chung mà không hề có sự phân biệt.
“Việt Nam cũng không có biệt giam, không có khái niệm biệt giam trong hệ thống pháp luật.
“Việt Nam khẳng định không có tình trạng chuyển nơi giam giữ phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam ra xa khỏi nơi cư trú hoặc gia đình phạm nhân một cách vô cớ mang tính phân biệt đối xử, hoặc với mục đích gây khó khăn cho việc gặp gỡ thân nhân, hoặc mang tính chất trừng phạt phạm nhân.
“Người bị giam giữ được hưởng đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn tạo điều kiện để thăm gặp, được liên lạc với thân nhân theo quy định của pháp luật. Không có việc gây khó khăn hoặc gây trở ngại đến quyền thăm gặp thân nhân của phạm nhân”.
Nguồn: RFA