Lễ hội bị ngăn cản vì có cờ Khmer Krom?

Một trong những lều dựng lên ở khu chùa Ô Răng bị cáo buộc treo cờ Khmer Krom. RFA files

Một trong những lều dựng lên ở khu chùa Ô Răng bị cáo buộc treo cờ Khmer Krom. RFA files

Theo nguồn tin địa phương, vào ngày 30 tháng 3 năm 2015, lực lượng hùng hậu gồm nhiều cảnh sát mặc thường phục và chính quyền địa phương đến khuôn viên chùa Ô Răng để yêu cầu tu sĩ và Phật tử chùa này lập tức tháo dỡ các công trình lều, chòi được dựng lên nhằm phục vụ các hoạt động tôn giáo, truyền thống của người Khmer trong dịp lễ mừng năm mới sẽ diễn ra vào giữa tháng tư này.

Cờ Phật giáo và cờ Khmer Krom

Một tu sĩ đang tu tại chùa Ô Răng xin được phép giấu tên cho biết hoạt động dựng và trang trí lều, chòi phục vụ hoạt động tôn giáo này được thực hiện hằng năm, tuy nhiên đến năm nay thì bị chính quyền địa phương cấm cản.

Sư này cho biết: “Lễ này không phải mới làm bây giờ, dường như làm mỗi năm, nhưng năm nay có công an tỉnh, huyện và xã xuống chùa đề ra cho các sư ở trong chùa phải tháo gở chỗ làm đó vì không hợp ý với Nhà nước. Họ nói làm như vậy là không hợp lệ vì lợp (mái chòi) ba màu xanh, vàng, đỏ là lá cờ Khmer Kampuchea Krom. Thực ra, cái này là trang trí sáu màu theo lá cờ Phật giáo, nhưng mà Nhà nước Việt Nam nhìn không rõ, chỉ thấy có ba màu xanh, vàng, đỏ“.

Cũng theo sư, cán bộ địa phương đe dọa nếu nhà chùa không tự ý tháo dỡ công trình này thì sẽ phải đối mặt với Pháp luật và Tòa án.

Liên quan tới vấn đề trên, chúng tôi đã liên hệ với công an huyện Cầu Ngang và được lãnh đạo phòng An Ninh cho biết, công an không hề liên quan đến sự việc này. Vị lãnh đạo này cho biết: “Cái đó tụi tui đâu có biết. Cái đó bên hệ Phật giáo người ta làm mà, công an đâu có biết“.

Tuy vậy, theo Phật tử sống xung quanh chùa Ô Răng thì từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 này, công an mặc thường phục liên tục đến chùa để theo dõi nhà chùa trong việc trang trí chào đón năm mới.

Theo truyền thống của người Khmer, vào mỗi dịp lễ mừng năm mới, người ta thường đắp các núi cát, núi gạo và mời các sự tụng kinh để cầu mong được cuộc sống an lành. Thông thường người ta dùng cờ Phật giáo trang trí để tạo nét trang nghiêm trong các lễ hội.

Cờ Phật giáo gồm sáu mãnh với năm màu xanh, vàng, đỏ, trắng, cam và một mãnh tổng hợp năm màu trên. Riêng lá cờ mà nhiều người công nhận là quốc kỳ của người Khmer Krom có ba màu xanh, vàng, và đỏ.

Biểu tượng của một dân tộc

Theo ông Trần Mann Rinh, Trưởng ban kế hoạch của Liên minh Khmer Kampuchia Krom (KKF) có trụ sở tại Hoa Kỳ thì việc chính quyền cho tháo gỡ lều vì chính quyền Hà Nội bị ám ảnh bởi cờ Khmer Krom trong các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh trong năm 2014 vừa qua.

Ông Rinh phát biểu: “Cộng sản thuộc loại người sợ ma đi đêm nên chỗ nào cũng thấy ma. Hơn nữa nếu nghĩ rằng xanh đỏ vàng là biểu tượng, là lá cờ của đồng bào Khmer Krom thì chúng ta thấy rất nhiều chỗ có màu xanh, màu đỏ, màu vàng lắm, không lẽ nhà nước cộng sản Việt Nam phải đi dẹp hết ba màu này hay sao“.

Ông Trần Mann Rinh còn cho rằng nếu người Khmer Krom treo một lá cờ là đại diện của dân tộc mình cũng không có gì sai trái. Ông nói: “Tại nước Mỹ, ngay cả những hãng Mc Donald hoặc là Fried Chicken, họ cũng có lá cờ của họ. Cả một dân tộc hàng triệu người có một cái gì đó biểu tượng cho dân tộc mình cũng là một chuyện lẽ phải, cũng là cái chuyện đương nhiên, không có gì sai trái“.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Hà Nội cố tình suy diễn cờ Phật giáo thành cờ Khmer Krom để sách nhiễu tu sĩ và Phật tử Khmer Krom. Hồi tháng 3 năm 2013, nhà cầm quyền đã cố tình chụp một phần đạo kỳ được treo trong chùa Trà Sết, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng và tố cáo nhà sư trương cờ Khmer Krom. Ngay sau đó, sư Trụ trì Liêu Ny và Phó Trụ trì Thạch Thươn bị buộc xuất tu và lãnh từ 4 đến 6 năm tù giam về tội danh chống chính quyền nhân dân. Nguồn tin: RFA

 

Comments are closed.