Nhà sư và Phật tử Khmer Krom ở các tỉnh đồng bằng Sông Cữu Long cho biết phía chính quyền đang ra sức ép buộc các chùa phải bỏ con dấu cũ và sử dụng con dấu mới theo mẫu nhà nước. Điều này khiến người Khmer Krom lo ngại bởi theo họ chính quyền cộng sản Hà Nội đang cố gắng xóa bỏ văn hóa của mình.
Mỗi lần đổi dấu, một lần bỏ bớt chữ Khmer
Đây không phải là lần đầu tiên các chùa Khmer Krom bị buộc phải đổi con dấu. Đại đức Trần Đông, tu năm 1972, từng làm trụ trì một ngôi chùa ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, hiện đang sống tại Pháp cho biết từ trước năm 1975, mỗi chùa Khmer Krom đều có một con dấu riêng và được sử dụng đến năm 1995 thì bắt đầu cho thay đổi, đến khoảng năm 2009 thì hơn 500 chùa của người Khmer Krom đều sử dụng con dấu theo mẫu mới.
Đại đức Đông chia sẽ: “Sư tôi làm trụ trì thì không có chữ Việt chữ gì trong con dấu gì hết, chỉ có chữ Khmer thôi. Năm 1995 thì đổi dấu (ban đầu là) trong ban trị sự và hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước các tỉnh, lúc đó không có chùa nào gia nhập với ban trị sự hết, chỉ có bạn trị sự các tỉnh xài cái đó thôi. Sau này thì bạn trị sự cứ dần dần tuyên truyền, ép các chùa xài, nếu mà chùa nào không xài con dấu nhỏ theo ban trị sự tỉnh hội kể như là chùa đó phản động”.
Cũng theo Đại đức Trần Đông, con dấu nhỏ này không có hoa văn như con dấu cũ và nội dung trên con dấu được khắc bằng tiếng Việt, riêng tên chùa được khắc bằng cả chữ Việt và chữ Khmer.
Đến đầu năm 2015, một số chùa Khmer ở huyện Tri Tôn tỉnh An Giang nhận được con dấu theo mẫu mới từ ban trị sự tỉnh hội. “Trước đây, con dấu có chữ Việt nhiều lắm, ở xung quanh toàn là chữ Việt còn ở giữa là tên chùa được viết bằng chữ Khmer, còn bây giờ thì tất cả đều là chữ Việt, không còn chữ Khmer nào nữa”, trụ trì một trong số hơn 30 chùa nhận được con dấu mới cho biết như vậy.
Xóa chữ viết là xóa bỏ văn hóa dân tộc
Nếu theo mẫu mới này thì dòng chữ Khmer duy nhất trên con dấu làm cơ sở xác định chùa Khmer bị xóa bỏ và thay vào đó là một cái tên tiếng Việt, được viết bằng chữ Việt.
Liên quan đến vấn đề này, trụ trì một ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu cho biết với kinh nghiệm của ngài thì việc đổi con dấu cho chùa Khmer ở An Giang là bước khởi đầu cho việc thay đổi con dấu cho tất cả các chùa Khmer Krom, và việc xóa bỏ chữ Khmer trong con dấu là sự cố ý xóa bỏ văn hóa Khmer.
Sư cho biết: “Viết chữ Việt là họ muốn xóa hết, xóa bỏ hết tiếng Khmer, chữ Khmer. Chữ Khmer là văn hóa của
chúng ta. Họ muốn xóa bỏ hết, họ muốn xóa bỏ văn hóa Khmer, muốn bỏ con dấu có chữ Khmer”.
Sau khi xây dựng hoàn tất, mỗi chùa Khmer đều được đặt một cái tên riêng theo tên địa danh hoặc sự kiện lịch sử, truyền thuyết của nơi mà ngôi chùa xây dựng. Một số ngôi chùa khác được đặt tên bằng các mỹ từ của Phật giáo với mong ước mang lại đều tốt lành nhất cho Phật tử sống xung quanh chùa.
Đại đức Trụ trì một ngôi chùa thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết con dấu không có đặc điểm gì xác định là chùa người Khmer và đặc biệt nó không thể viết đúng tên của ngôi chùa, đó chính là lý do chùa của ngài không chấp nhận con dấu mới: “Sư muốn họ đổi, giữ nguyên chữ Khmer như các con dấu trước đây vì chùa này là chùa Khmer, sư là người Khmer, là người Khmer sư muốn giữ văn hóa truyền thống của người Khmer. Nếu bỏ chữ thì dần dần bản sắc dân tộc Khmer cũng mất hết, và thậm chí người Khmer cũng sẽ không biết tên chùa của mình là gì”.
Chúng tôi liên hệ với văn phòng ban trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh An Giang để xin hỏi về nguyên nhân đổi con dấu mới cho các chùa Khmer, vị chức sắc đại diện cơ quan này cho biết là họ không biết về vấn đề này và yêu cầu phải có văn bản hỏi rõ ràng. Vị này cho biết: “Cái đó không biết, cái đó liên hệ với chùa. Mà anh là cái gì mà phải hỏi dữ vậy? Giờ anh có nhu cầu gì thì anh cứ lên văn phòng ban trị sự gởi văn bản xuống. Không nói chuyện qua điện thoại”.
Việc buộc chùa Khmer phải sử dụng con dấu toàn chữ Việt không chỉ gây bức xúc lớn cho cộng đồng người Khmer Krom mà còn tác động đến người Khmer ở Campuchia. Nhà phân tích xã hội độc lập uy tín ở Campuchia, Tiến sĩ Kem Lay cho biết cá nhân ông không chấp nhận việc chính quyền Việt Nam cho xóa bỏ chữ Khmer trên con dấu của chùa, và việc này cũng không mang lại lợi ích gì cho xã hội Việt Nam. Tiến sĩ Kem Lay: “Việc sử dụng con dấu hay cái gì đó, ở Campuchia chúng ta không hề phân biệt hay ép buộc người Việt, người Cham phải sử dụng con dấu bằng chữ Việt, chữ Cham hay chữ Khmer gì cả. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Cộng sản Việt Nam mở rông quyền tự do cho người Khmer. Các vị đã lấn hại lãnh thổ, chiếm đất đai của người ta, lại thêm xâm hại đếm quyền tự do, quyền được sống của người ta nữa. Tôi nghĩ rằng nếu quốc gia này không có sự thay đổi thì sẽ không thể có ổn định vì khi nào người Khmer Krom càng bức xúc thì họ sẽ càng tìm mọi cách nổi dậy”.
Cho đến nay, ngoài tỉnh An Giang, vẫn chưa có địa phương nào có thông tin chính thức về việc thay đổi con dấu cho chùa Khmer. Dù vậy, nhiều chùa cho biết sẽ không chấp nhận sử dụng con dấu theo mẫu mới vì việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết dân tộc là quyền và được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Đại đức trụ trì một chùa Khmer ở Trà Vinh cho biết “Chính quyền Việt Nam họ cũng công nhận là chúng ta có quyền bảo vệ và duy trì văn hóa, truyền thống, chữ viết dân tộc. Chùa là cơ sở bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, con dấu là hình ảnh đại diện chùa, nếu không có chữ viết dân tộc mình mà để chữ dân tộc khác thì không hợp lý tý nào. Cả một dân tộc mà không có nỗi một chữ viết thì không thể chấp nhận được”.
Hồi tháng 8 năm 2014, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã yêu cầu ban trị sự chùa Boddhisalaraja (Chùa Âng) giao nộp con dấu do con dấu này được khắc toàn bằng chữ Khmer. Trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, các hội đoàn Khmer Krom liên tục cáo buộc chính quyền Hà Nội âm mưu xóa bỏ văn hóa, chữ viết và đồng hóa người Khmer Krom. Nguồn tin: RFA