Ngoại Giao Cây Tre và Thực Trạng Nhân Quyền tại Việt Nam

Hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay vận hành theo chế độ cộng sản độc đảng, thường bị chỉ trích vì các hoạt động quản lý đất nước thiếu dân chủ. Về lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản ủng hộ bình đẳng và quyền sở hữu cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà lãnh đạo độc tài thường lợi dụng nó để duy trì quyền kiểm soát, sử dụng bạo lực và hăm dọa để đàn áp, khiến người dân sống trong lo âu và sợ hãi. Việt Nam là một ví dụ điển hình, nơi lý tưởng cộng sản bị che giấu bởi thực tế tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã khởi xướng cải cách “Đổi Mới”. Những cải cách này nhằm mục đích mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, quốc gia đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại vào năm 1994. Tuy nhiên, lợi ích của những cải cách này không được phân bổ đồng đều. Hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài nhằm xóa đói giảm nghèo thường chảy vào túi các quan chức tham nhũng, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong xã hội và duy trì một hệ thống tham nhũng sâu rộng trong bộ máy cầm quyền.

Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước quốc tế với Liên hợp quốc để duy trì sự ủng hộ và tính hợp pháp trên trường quốc tế, bao gồm Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) vào năm 2007. Tuy nhiên, bất chấp cam kết ủng hộ UNDRIP, Việt Nam lại tuyên bố rằng không có người bản địa nào trong biên giới của mình, một lập trường làm suy yếu tính pháp lý của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.

Chiến lược duy trì quyền lực của Việt Nam được gói gọn trong cái gọi là “Ngoại Giao Cây Tre”, được Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra vào năm 2016. Chính sách này nhằm mục đích thể hiện Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia, tìm cách cân bằng mối quan hệ với các cường quốc để đảm bảo sự ủng hộ về kinh tế và chính trị. Ví dụ, Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác ủng hộ lập trường của mình chống lại Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, viện dẫn luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ngược lại, khi muốn nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là cho các dự án cơ sở hạ tầng, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, như “ủng hộ sáng kiến xây dựng cộng đồng chung, tương lai cho nhân loại“.

Tương tự, mối quan hệ của Việt Nam với Nga làm nổi bật bản chất cơ hội của Ngoại Giao Cây Tre. Bất chấp sự lên án của quốc tế đối với các hành động xâm lược của Nga ở Ukraine, Việt Nam vẫn tiếp tục hợp tác với Moscow, thậm chí mời Tổng thống Vladimir Putin đến thăm từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 6 năm 2024. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Hoa Kỳ, làm nổi bật những mâu thuẫn cố hữu và sự lợi dụng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói với Reuters, “Không quốc gia nào nên trao cho Putin một diễn đàn để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta, và ngược lại, cho phép ông ta bình thường hóa các hành động tàn bạo của mình. Nếu ông ta có thể tự do đi lại, điều đó có thể bình thường hóa các hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Nga”. Trong khi tìm kiếm sự hỗ trợ của phương Tây, Việt Nam dường như sẵn sàng bỏ qua các chuẩn mực quốc tế để bảo vệ lợi ích của mình, bất chấp hàng tỷ đô la mà các nước phương Tây đã viện trợ.

Ngoại Giao Cây Tre còn mở rộng sang các nỗ lực của Việt Nam nhằm được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Bất chấp khuôn khổ theo chủ nghĩa cộng sản, hạn chế tự do thương mại và quản lý kinh tế theo mô hình quốc doanh, Việt Nam đã nỗ lực vận động Hoa Kỳ để có được địa vị này. Nỗ lực này cho thấy sự gian dối trong các động thái ngoại giao của Việt Nam khi cố gắng cân bằng giữa sự kiểm soát độc đoán và tự do hóa kinh tế. Cho đến nay, mặc dù đã ký hiệp định tự do thương mại với Châu Âu gần 5 năm, Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước ILO 87 để cho phép tự do lập hội và công đoàn lao động độc lập.

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn gây tranh cãi. Đất nước này đã phải đối mặt với sự lên án gay gắt vì những vi phạm nhân quyền. Ngay cả khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp để bịt miệng các nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt là các nhà sư Phật giáo Khmer-Krom mới bị bắt gần đây, sử dụng bạo lực để tước áo cà sa, buộc các vị sư hoàn tục rồi đem bỏ tù.

Dù sống trong bóng tối của chế độ cộng sản, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tiếp cận thông tin tại Việt Nam ngày càng tăng thông qua mạng xã hội. Nhờ vậy, người dân tại Việt Nam, bao gồm cả người bản địa như người Khmer-Krom, đã sử dụng mạng xã hội để lên tiếng đòi quyền cơ bản của mình. Các nhà hoạt động nhân quyền đang sử dụng mạng xã hội để lên tiếng và thách thức bộ máy tuyên truyền của chế độ, phơi bày mức độ tham nhũng của các lãnh đạo cộng sản.

Những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam đã phơi bày những vấn đề sâu xa trong các cấp bậc quyền lực cao nhất. Các vụ “từ chức” của những người có chức vụ cao, bao gồm cả Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, đều liên quan đến các đại án tham nhũng. Điều này cho thấy, tham nhũng không chỉ giới hạn ở các cấp thấp mà còn lan rộng ra toàn bộ bộ máy lãnh đạo, đến tận các vị trí cao nhất, như là tứ trụ.

Bất chấp khả năng tuyên truyền khôn khéo trong bang giao quốc tế theo Ngoại Giao Cây Tre, niềm tin của người dân vào chế độ độc đảng của Việt Nam ngày càng giảm. Tham nhũng và việc sử dụng vũ lực để duy trì quyền lực đã làm xói mòn tính chính danh của chế độ. Việc sử dụng bạo lực để cưỡng bức cởi áo cà sa và bắt giữ các nhà sư Phật giáo Khmer-Krom gần đây, là ví dụ điển hình cho mức độ tàn bạo mà chính phủ sẽ thực hiện để đàn áp bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, những hành động phi nhân này chỉ làm tăng thêm sự bất mãn đối với chế độ, ám chỉ sự sụp đổ có thể đang đến gần.

Ngoại Giao Cây Tre của Việt Nam, mặc dù linh hoạt và cơ hội, không thể che giấu vô thời hạn về bản chất thực sự của chế độ cộng sản không tưởng và tham nhũng. Khi áp lực trong nước và quốc tế gia tăng, sự ổn định của chế độ này đang bị xói mòn, dẫn đến khả năng đảo lộn trong tương lai gần. Giống như một lùm tre bị bão tàn phá, bề ngoài có vẻ kiên cường nhưng bên trong đầy những vết nứt, có thể sớm sụp đổ bất cứ lúc nào.

Comments are closed.