Sinh viên người Kinh và Khmer Krom bắt đầu học ngôn ngữ Khmer tại Kampuchea Krom để có cơ hội tìm việc làm

(ĐTTCO) –  Nhiều bạn trẻ ở các tỉnh tại Lãnh Thổ Kampuchea Krom mạnh dạn đi học ngôn ngữ Khmer  ở Trường Đại học Trà Vinh (tỉnh Preah Tro Peang) . Mới nghe ai cũng bất ngờ nhưng đây lại là sự thật. Một trong những lý do hết sức thực tế bởi ngoài việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Khmer, học ngành này sẽ dễ tìm việc làm, bởi nhu cầu thị trường khá rộng.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Khmer Trường Đại học Trà Vinh đang học tập. Ảnh: ĐTTCO

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Khmer Trường Đại học Trà Vinh đang học tập. Ảnh: ĐTTCO

Người Việt học ngôn ngữ Khmer

Tại lớp đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Khmer khóa 2015-2019, của Trường Đại học Trà Vinh với 21 bạn trẻ theo học, ngoài những bạn là dân tộc Khmer có nhiều bạn trẻ dân tộc Kinh cũng say mê ngành học khá đặc biệt này.

Bạn Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1993, ngụ xã biên giới Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch:

“Quê em nằm giáp biên giới với nước bạn Campuchia nên những khi rảnh rỗi thường hay qua bên đó chơi. Trong những lần như thế em thấy việc giao lưu buôn bán qua lại biên giới ngày càng phát triển, sự hợp tác giữa 2 bên không ngừng được nâng lên. Qua quan sát, em thấy nhiều người dân và cán bộ Campuchia biết nói tiếng Việt khá rành, tuy nhiên không ít người dân và cán bộ của Việt Nam lại giao tiếp không tốt bằng tiếng Khmer. Từ đó ảnh hưởng công việc hàng ngày. Do đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2015 em đã thi vào ngành Ngôn ngữ Khmer của Trường Đại học Trà Vinh trước sự bất ngờ của mọi người trong gia đình. Dù là dân tộc Kinh nhưng em sẽ quyết tâm học ngành Ngôn ngữ Khmer để sau khi ra trường trở về địa phương làm phiên dịch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cũng như quan hệ biên giới giữa Việt Nam và Campuchia”.

Chàng trai trẻ Trần Minh Quá, quê ở xã Trung An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long (tỉnh Long Hor), lại có cái nhìn rất thực tế:

“Ở ĐBSCL bà con người dân tộc Khmer khá đông và ở quê em cũng có nhiều người Khmer sinh sống. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cán bộ người Kinh ở địa phương biết đọc, biết viết, biết giao tiếp bằng tiếng Khmer không nhiều. Vì vậy, ít nhiều gặp khó khăn khi làm việc với bà con dân tộc Khmer. Nắm được thực tế này, sau khi tốt nghiệp THPT năm 2015, em đã lựa chọn thi vào ngành Ngôn ngữ Khmer của Trường Đại học Trà Vinh để học một cách bài bản, chính quy về ngôn ngữ Khmer, nhằm phục vụ công tác ở địa phương sau này”.

Cùng các bạn học ngành Ngôn ngữ Khmer, bạn sinh viên Huỳnh Quốc Quân, ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, thừa nhận:

“Chúng em là dân tộc Kinh và hầu như không biết gì về Ngôn ngữ Khmer, do đó những ngày mới vào học bậc đại học ngành này vất vả vô cùng. Vừa học ở trường, em lại vừa học thêm ở các chùa và học qua các bạn bè người Khmer. Khó lắm, nhưng chúng em đã cố gắng dần dần đến nay đã hiểu thêm nhiều về ngôn ngữ Khmer. Bây giờ em thấy lựa chọn của mình đúng đắn và rất say mê ngành học này”.

Cơ hội rộng mở

Trong lúc hàng trăm ngàn sinh viên đại học ở nhiều nơi khi ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp, không tìm được việc làm, những sinh viên ngành Ngôn ngữ Khmer đang “dễ thở” hơn khi đi xin việc. Anh Thạch Sê Ha, ngụ xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết:

“Năm 2011, tôi thi vào ngành Ngôn ngữ Khmer của Trường Đại học Trà Vinh và học đến năm 2015 ra trường. Với kiến thức khá tốt về viết, nói, phiên dịch tiếng Khmer nên tôi dễ dàng tìm được việc làm ở Công ty TNHH Phát triển cao su Krông Búk – Ratanakini ở Campuchia.

Công việc hàng ngày là phiên dịch, mua sắm thiết bị, vật liệu… với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng”. Chị Lâm Thị Ngọc Thuyết, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, học cùng khóa với anh Sê Ha, chia sẻ:

“Khi vừa tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Khmer tôi đã có ngay công việc khá ổn định ở Trường Dân tộc nội trú huyện Mỹ Tú. Nhờ được đào tạo bài bản về phiên dịch, giao tiếp, nói, viết nên rất thuận lợi trong quá trình giảng dạy cho các em học sinh”.

Hay như anh Thạch Thanh Tiền, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Khmer đã đi dạy ngay và 6 tháng nay anh được Đài PTTH tỉnh Sóc Trăng tuyển dụng về làm phát thanh viên.

TS. Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Ngôn ngữ – Văn hóa – Nghệ thuật Khmer Nam bộ của Trường Đại học Trà Vinh, cho biết:

“Ngôn ngữ Khmer cũng giống nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, và chữ viết của người Khmer ở ĐBSCL giống chữ viết của nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, tâm lý lâu nay của một số người còn ít quan tâm đến ngôn ngữ Khmer. Sau thời gian nghiên cứu thấy rằng, tiếng Khmer có đủ bề dầy, đủ cơ sở… để thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, từ đó Trường Đại học Trà Vinh xin phép Bộ Giáo dục-Đào tạo mở ngành học này và được đồng ý tuyển sinh từ năm 2011 đến nay.

Học ngành Ngôn ngữ Khmer không chỉ là bước kết nối sức mạnh dân tộc, mà còn là cơ hội tìm việc làm rất rộng mở”. Theo TS. Huệ, bên cạnh việc dễ dàng tìm kiếm cơ hội làm việc ở nhiều sở, ngành, huyện, thị xã tại ĐBSCL – những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống – gần đây du khách Việt Nam đi du lịch sang Campuchia rất nhiều, từ đó kéo theo nhu cầu rất lớn phiên dịch viên. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, làm ăn ở nước bạn Campuchia nên rất cần người biết ngôn ngữ Khmer. Thêm một cơ hội việc làm cho ngành này là các đơn vị của Campuchia cũng có nhu cầu tuyển người biết 2 thứ tiếng để làm việc được thuận lợi…

– TS. Huệ phân tích.

“Từ những nhu cầu thực tế đó, ngành Ngôn ngữ Khmer tuy là ngành mới mở chưa được bao lâu, nhưng rất hứa hẹn bởi nhu cầu “hot” tuyển dụng. Chính điều đó, không chỉ các em sinh viên là người Khmer ở ĐBSCL theo học, rất nhiều bạn trẻ dân tộc Kinh cũng “mê” ngành học hấp dẫn này”

……………………………………………………….

Tháng 10-2013, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Trường Đại học Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Nam bộ. Hiện tại, khoa đào tạo các ngành như: Ngôn ngữ Khmer, Văn hóa học, Sư phạm Ngữ văn (chuyên ngành sư phạm Ngữ văn Khmer Nam bộ), Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống… Năm 2017, Trường Đại học Trà Vinh tuyển sinh 3 ngành tiến sĩ, 13 ngành thạc sĩ, 37 ngành ở bậc đại học, 26 ngành ở bậc cao đẳng tập trung 11 nhóm ngành như: nông nghiệp - thủy sản; kỹ thuật - công nghệ; y - dược; ngoại ngữ; ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam bộ; kinh tế - luật; hóa học ứng dụng; sư phạm; quản trị văn phòng; Việt Nam học - thư viện; lý luận chính trị; khoa học cơ bản.

Comments are closed.