Nổi Lòng Đêm Ba Mươi

Không ai đến thăm tôi đêm ba mươi, cho nên tôi viết vài hàng để coi như là khai bút đầu năm trong nổi lòng của người con Khmer-Krom xa xứ. Với câu hát ‘không có đêm nào tối bằng đêm ba mươi’, nhưng chắc có ít ai hiểu thấu rằng, nổi đau của người Khmer-Krom còn tối hơn cả đêm ba mươi.

Tuy Tết Nguyên Đán không phải là ngày tết của người Khmer-Krom, nhưng bởi vì quê hương của họ bây giờ đang dưới sự đô hộ của chính quyền Việt Nam, cho nên người Khmer-Krom, cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng văn hoá đón Tết Nguyên Đán của người Việt. Đặc biệt là được nghỉ học hay không đi làm việc trong những ngày tết.

Trong lúc ngồi chờ đón Giao Thừa, tôi bắt đầu gọi chúc tết gia đình, bạn bè, và các đồng chí từng ngồi học chung “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa”. Lên trang mạng xã hội nói chuyện với các bạn trẻ Khmer-Krom đang đi học và làm việc tại các hãng xưởng gần Prey Nokor. Có bạn thì vui vẻ, nói là được về quê gặp lại gia đình. Có người thì phải ráng ở lại kiếm thêm ít tiền vì người ta trả tiền thuê cao trong công việc phục vụ những ngày tết. Có một bạn trẻ nói lên nổi lòng mình: “Tết của người ta, người ta được nghỉ. Còn tết của người Khmer-Krom mình, người ta không cho.”

Với giọng nói mộc mạc của một người bạn trẻ Khmer-Krom trong độ tuổi hai mươi mà đã bỏ học, xa gia đình đã hơn 5 năm để đi mưu sinh, chỉ với ước mơ nhỏ bé là kiếm chút ít tiền để giúp đở gia đình đã làm cho tôi chạnh lòng trong cái lạnh đầu năm.

Khi dân tộc mình không có quyền tự quyết, thì định mệnh của dân tộc mình là do người ta bố thí hay không thôi. Là người đô hộ mình, người ta làm đủ mọi cách để đồng hoá, để cho thế giới không biết rằng, vùng đất mà chính quyền Việt Nam gọi là “Nam Bộ” ấy, không phải là của người Khmer-Krom, mà do ông cha người ta “Khai Hoang” trong vùng đất có chủ của chính quyền Kampuchea thời ấy.

Trong bài hát “Ta Còn Lại Gì” của nữ ca nhạc sĩ người Chăm tại hải ngoại, với giọng hát ngọt ngào nhưng xâu thẩm, khi cô ca sĩ này hát lên bài hát của chính tay mình viết: “Không có nỗi đau nào, bằng nỗi đau mất nước. Không có hận thù nào, bằng thù cướp non sông”. Hay là câu: “Tiếng nói mất rồi, thì dân tộc mất nay mai”.

Tuy là bài hát này chỉ nói lên nổi lòng của người Chăm, nhưng đó cũng là lời cảnh báo của các dân tộc Bản Địa tại Việt Nam. Nếu chúng ta không biết tự hào và dám nói lên tiếng nói chính nghĩa để bảo vệ quyền căn bản của dân tộc mình, thì một ngày nào đó, người Khmer Krom mình sẽ gặp nhau nói bằng tiếng Việt, các vị sư Khmer Krom sẽ đọc kinh bằng tiếng Việt trong chùa của mình. Đến lúc đó, chắc chúng ta không sáng tác bài “Ta còn lại gì” cho người Khmer Krom, mà phải viết bài “Ta không còn gì”. Hy vọng là, ngày đó sẽ không đến với dân tộc của mình.

 

Comments are closed.