Ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Campuchia ngăn chặn biểu tình bài VN

Thủ tướng Việt Nam đã đề nghị chính quyền Phnom Penh ‘không để tái diễn cảnh biểu tình, đốt cờ Việt Nam’ trong khi đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin.

KSR_4577-copy

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Việt Nam về đất đai vùng Nam bộ nơi xuất thân của nhiều người Khmer Krom đã bùng lên từ đầu tháng 7 với sự tham gia của hàng trăm người. Ảnh: Son Cheng Chon

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, ông Dũng đã yêu cầu Campuchia ‘có các biện pháp phù hợp để ngăn chặn’ những cuộc biểu tình của người Khmer Krom mà ông cho là ‘gây tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam’.

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng đề nghị ông Heng Samrin và Quốc hội Campuchia ‘tiếp tục ủng hộ nỗ lực chung của 2 bên trong việc hoạch định và phân giới cắm mốc trên đất liền giữa 2 nước trên tinh thần hữu nghị, chân thành’.

Đáp lại yêu cầu từ phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin được thông cáo của phía Việt Nam trích lời nói rằng phía Campuchia ‘rất lấy làm tiếc về hành động biểu tình và đặc biệt là việc đốt cờ Tổ quốc Việt Nam’.

Ông cũng cho biết Campuchia đã ‘có các biện pháp mạnh mẽ để xử lý nhằm ngăn chặn những hành động bạo lực và những hành vi tương tự tái diễn’.

Về lời phát biểu này, ông Trần Mannrinh, một đại diện của Liên đoàn Khmer Campuchia Krom nói với VOA Việt Ngữ rằng ông ‘chưa tin’ là ông Heng Samrin nói như vậy.

Ông nhận định: “Đấy là thông tin từ Đài phát thanh của Việt Nam. Tôi chưa có tin 100% là ông Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Campuchia đã phát biểu như vậy vì trước đó mấy ngày, ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên của Bộ Nội Vụ Campuchia đã nói rằng biểu tình là quyền phát biểu ý kiến của nhân dân Campuchia, và Campuchia là một đất nước dân chủ, đa đảng, không giống như Việt nam cho nên việc biểu tình không có gì sai trái với luật pháp của Campuchia”.

Cuộc biểu tình rầm rộ của người Khmer Krom hôm 12/8 vừa qua để yêu cầu chính quyền Hà Nội phải xin lỗi về lời phát biểu của ông Trần Văn Thông, Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh rằng vùng đất mà họ gọi là Campuchia Krom, tức khu vực sông Mekong ở Việt Nam, thuộc về Việt Nam từ nhiều đời nay.

Liên đoàn Khmer Campuchia Krom sau đó đã lên án giới chức của Việt Nam ‘làm sai lệch sự thật và bịa đặt lịch sử’.

Chủ tịch Liên đoàn này cũng lên án ‘việc sử dụng vũ lực của lực lượng an ninh đối với những người biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh’.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 19/8, ông Thạch Ngọc Thạch nói rằng Việt Nam cần phải tôn trọng quá khứ và lịch sử cũng như phải xin lỗi vì các hành động sai trái. ‘Không ai có thể thay đổi quá khứ,’ ông Thạch viết qua email.

Các cuộc biểu tình phản đối chính sách của Việt Nam về đất đai vùng Nam Bộ nơi xuất thân của nhiều người Khmer Krom đã bùng lên từ hồi đầu tháng Bảy với sự tham gia của hàng trăm người.

Ông Trần Mannrinh cho hay rằng mục đích duy nhất của các cuộc biểu tình là Việt Nam ‘phải công nhận lịch sử là phần đất đó trước kia là thuộc về Campuchia, thuộc về Campuchia Khmer Krom, chứ không đòi hỏi độc lập hay tách rời ra khỏi Việt Nam’ như truyền thông và nhà nước Việt Nam nói.

Một ngày sau vụ đốt cờ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo ‘kịch liệt phản đối việc những phần tử cực đoan Khmer Kampuchea Krom tổ chức biểu tình bất hợp pháp và đốt quốc kỳ của Việt Nam tại Phnom Penh’.

Cộng đồng Khmer Krom ở Phnom Penh đã tổ chức một số cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam để đòi xin lỗi, và dọa sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi có phản hồi chính thức của chính quyền cả Việt Nam và Campuchia. Ảnh: Son Cheng Chon

Các nhà sư và người biểu tình Campuchia đốt cờ Việt Nam trong một cuộc biểu tình tại một con phố trước Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, Campuchia, 8/10/2014. Ảnh: Son Cheng Chon

Ông Bình cũng cho rằng hành động này ‘cố tình xúc phạm nghiêm trọng tình cảm của nhân dân Việt Nam, không phù hợp với quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Campuchia’.

Vùng Khmer Krom hiện là nơi sinh sống của nhiều người thiểu số Khmer Krom ở miền Nam Việt Nam vốn thuộc về Campuchia trước khi Pháp cắt đất giao lại cho Việt Nam vào năm 1949. Nguồn tin: VOA

Comments are closed.